HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tuyển sinh Liên hệ: Mr Mạnh: 0989531733 hoặc 02463258761
VIDEO - CLIP
THÔNG TIN CHI TIẾT
Giáo viên giỏi Toàn Quân 2010
Quy luật lượng chất U3 CN Kiều Quang Dũng

 

Giáo viên giỏi Toàn Quân 2010


MỞ ĐẦU

- Căn cứ chương trình, mục tiêu đào tạo đối tượng TCKT ô tô quân sự, kế hoạch môn học và lịch huấn luyện.

- Bài giảng lý thuyết “Quy luật chuyển hoá từ những thay đổi dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại” được xây dựng trong thời gian giảng 45 phút. Học xong bài này học viên nắm được khái niệm chất và lượng,  độ, bước nhảy, điểm nút. Hiểu được nội dung của quy luật lượng-chất. Từ đó vận dụng tốt quy luật vào hoạt động thực tiễn đạt chất lượng hiệu quả cao.

Bài: QUY LUẬT CHUYỂN HOÁ TỪ NHỮNG THAY ĐỔI DẦN DẦN

        VỀ LƯỢNG DẪN ĐẾN SỰ THAY ĐỔI VỀ CHẤT VÀ NGƯỢC LẠI

Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lạilà một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật, nó vạch ra cách thức vận động phát triển của sự vật hiện tượng.

1.  Nội dung quy luật

Mọi sự vật hiện tượng đều là thể thống nhất của hai mặt đối lập lượng và chất.

a. Khái niệm chất và lượng

- Khái niệm chất của sự vật hiện tượng:

Chất của sự vật là khái niệm chỉ tính quy định vốn có của sự vật hiện tượng, là sự kết hợp hữu cơ giữa các thuộc tính để nói lên nó là cái gì, phân biệt nó với cái khác.

+ Chất là khái niệm chỉ tính quy định vốn có của sự vật.

Ví dụ: Khi ta nói đến muối ăn là nói đến chất của muối (NaCl) và thuộc tính của muối là: Thể kết tinh, tan trong nước, có vị mặn…

Thể kết tinh, tan trong nước, vị mặn là những tính chất (thuộc tính) quy định vốn có của sự vật (muối) không lệ thuộc ý muốn của con người do vậy mang tính khách quan.

+ Sự kết hợp hữu cơ giữa các thuộc tính.

Không phải là sự cộng lại của các thuộc tính và cũng không phải là sự xếp đặt bên cạnh nhau của các thuộc tính mà là sự liên hệ chặt chẽ, gắn bó, tác động, quy định lẫn nhau cùng tồn tại trong sự vật hiện tượng.

Ví dụ: Khi ta nói đến Đường ăn là nói đến chất của Đường (C6H12O6) và thuộc tính của đường là: Thể kết tinh, màu trắng, tan trong nước, có vị ngọt…

Chú ý: Sự vật hiện tượng có thể có một chất hoặc nhiều chất tuỳ theo các quan hệ vì sự vật hiện tượng có nhiều thuộc tính, nhưng mỗi một thuộc tính cũng có thể coi là một chất.

Ví dụ: Học viên trường TCKT Xe-Máy là nói đến chất của người học viên trường TCKT Xe-Máy, chất đó được thể hiện qua các bộ phận: Học viên TCKT ôtô; học viên lái xe các hạng C, D, E; học viên trung cấp trạm nguồn điện….và mỗi bộ phận học viên TCKT ô tô; bộ phận học viên lái xe các hạng C, D, E; bộ phận học viên trạm nguồn điện cũng có thể coi là một chất.

- Khái niệm lượng của sự vật hiện tượng:

Lượng của sự vật là khái niệm chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật hiện tượng, biểu thị con số những thuộc tính, tổng số những bộ phận cấu thành nó như về độ lớn, về quy mô, về trình độ, về tốc độ, về màu sắc.

Như  vậy lượng của sự vật chỉ biểu thị con số những thuộc tính, tổng số những bộ phận cấu thành nó.

Ví dụ: Lượng của học viên trường TCKT Xe-Máy

+ Lượng của sự vật cũng mang tính khách quan, nó là cái vốn có của sự vật.

Ví dụ: Khi ta nói đến lượng nguyên tố hóa học trong một phân tử nước là H20 nghĩa là gồm hai nguyên tử hidrô và một nguyên tử ôxi.

+ Có những lượng ta có thể đo đếm được chính xác bằng đơn vị đo lường, nhưng có những lượng phải bằng khái quát, trừu tượng hoá ta mới xác định được.

Ví dụ: Có những lượng ta có thể đo đếm được chính xác như trọng lượng của cơ thể hay chiều cao của một con người...

Có những lượng phải bằng khái quát, trừu tượng chúng ta mới nhận thức được như lượng tri thức hiểu biết của một lớp học cao hay thấp....

+ Sự phân biệt giữa chất và lượng chỉ là tương đối, trong mối quan hệ này là lượng nhưng trong mối quan hệ khác lại là chất.

Ví dụ: Trong mối quan hệ của một lớp học có học viên là đảng viên và học viên là đoàn viên là nói đến lượng của một lớp học. Nhưng trong mối quan hệ lãnh đạo thì học viên là đảng viên và học viên là đoàn viên khác nhau về chất.

Ví dụ: Trong mối quan hệ giữa người học viên năm thứ nhất với người học viên năm thứ hai là nói đến chất của người học viên năm thứ nhất với năm thứ hai. Trong mối quan hệ với cả khoá học thì năm thứ nhất với năm thứ hai lại là lượng.

b. Mối quan hệ biện chứng giữa lượng và chất

Nội dung khái quát của quy luật: Mọi sự vật hiện tượng đều là thể thống nhất giữa hai mặt lượng và chất, cách thức vận động phát triển của sự vật hiện tượng bao giờ cũng đi từ sự biến đổi dần dần về lượng đến một độ nhất định mới dẫn đến sự biến đổi về chất. Chất mới ra đời lại tạo điều kiện mới, khả năng mới cho sự biến đổi về lượng.

- Mọi sự vật hiện tượng đều là sự thống nhất giữa chất và lượng (chất nào lượng ấy, lượng nào chất ấy không có chất lượng nói chung tồn tại tách rời nhau)

Ví dụ: Khi nói lớp A có 20 học viên là nói đến sự thống nhất giữa chất và lượng của lớp đó.

- Chất và lượng bao giờ cũng thống nhất trong độ nhất định.

Độ chính là khái niệm để chỉ phạm vi giới hạn, trong đó sự biến đổi về lượng chưa dẫn đến sự thay đổi về chất, sự vật vẫn là nó chưa là cái khác.

Ví dụ: Người học viên TCKT ôtô khi vào trường học tập, trong hai năm học người học viên đó phải tích lũy những kiến thức những học phần theo quy định. Sự tích lũy những kiến thức đó chính là sự thay đổi về lượng nhưng chưa dẫn đến sự thay đổi về chất. Khoảng hai năm học tập và tích lũy đó gọi là độ.

Tại thời điểm xẩy ra bước nhảy gọi là điểm nút.

Điểm nút là điểm giới hạn mà tại đó sự thay đổi về lượng làm thay đổi về chất.

Bước nhảy là sự thay đổi về chất do những thay đổi về lượng trước đó sinh ra. Nói cách khác bước nhảy chỉ giai đoạn chuyển hoá về chất do những thay đổi về lượng trước đó sinh ra.

Ví dụ: Người học viên TCKT ô tô sau khi đã tích lũy đầy đủ các học phần theo quy định, có đủ điều kiện và thi tốt nghiệp ra trường trở thành người nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Từ người học viên trở thành người nhân viên chuyên môn kỹ thuật gọi là bước nhảy.

Tại thời điểm bế giảng nhận quyết định ra trường gọi là điểm nút.                           

- Chất mới ra đời tạo điều kiện mới, khả năng mới cho lượng biến đổi.

Chất mới được bổ sung những đặc trưng mới, những yếu tố mới. Mặt khác kế thừa được những yếu tố tích cực của sự vật cũ do đó nó thúc đẩy lượng mới phát triển nhanh hơn, mạnh hơn so với lượng của chất cũ.

Ví dụ: Người học viên khi ra trường trở thành người nhân viên chuyên môn kỹ thuật sẽ được bổ sung những yếu tố mới về mặt phẩm chất đạo đức, về năng lực chuyên môn... sẽ giúp người nhân viên biến đổi nhanh hơn về chất.

Chú ý:  + Sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất thường gắn với những điều kiện nhất định.

           + Không phải bất kỳ sự biến đổi nào về lượng đều dẫn đến sự thay đổi về chất chỉ khi thuộc tính căn bản thay đổi thì chất mới thay đổi.         

Tóm lại: Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược  lại là thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt lượng và chất trong một sự vật hiện tượng. Chất là mặt tương đối ổn định, lượng là mặt thường xuyên biến đổi. Lượng biến đổi vượt độ phá vỡ chất cũ, chất mới ra đời với lượng mới. Lượng mới lại tiếp tục biến đổi đến một giới hạn nào đó lại phá vỡ chất mà nay đã cũ đi đang kìm hãm. Cứ như vậy quá trình tác động biện chứng giữa hai mặt lượng và chất tạo lên cách thức, trạng thái vận động phát triển của sự vật.

2.  Các hình thức của bước nhảy(Nghiên cứu sách giáo khoa)

- Bước nhảy trong tự nhiên khác bước nhảy trong xã hội.

(bước nhảy đó mang tính chất như thế nào và thông qua đâu)

- Bước nhảy còn có sự khác nhau về quy mô và hình thức.

- Bước nhảy còn có sự khác nhau về tốc độ và nhịp điệu.

3. Ý nghĩa phương pháp luận

- Nghiên cứu quy luật lượng chất đòi hỏi trong xem xét và cải tạo sự vật phải kiên trì, tích cực, chủ động tích lũy về lượng và khi có điều kiện đạt đến điểm nút phải kiên quyết thực hiện bước nhảy, chống khuynh hướng tả khuynh và hữu khuynh.

Tả khuynh là tư tưởng nôn nóng, thực hiện bước nhảy không trên cơ sở tích lũy đủ về lượng, không nắm vững thời cơ, điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện bất chấp quy luật vẫn cứ thực hiện bước nhảy.

Hữu khuynh là tư tưởng sợ sệt, ngại khó, ngại khổ đã tích lũy đủ về lượng không dám thực hiện bước nhảy, không dám đổi mới vẫn duy trì cái cũ.

Thực tiễn cho thấy quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta đã quán triệt sâu sắc và vận dụng thành công phương pháp luận của quy luật này. Vì vậy đã đưa tới thắng lợi giành chính quyền năm 1945 và đại thắng năm 1975 đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Sự thắng lợi đó đã chứng minh cả quá trình tích lũy về lượng với những điều kiện nhất định, thời cơ nhất định cho nên cách mạng thành công chứ không phải bước nhảy về chất đó là do nguyên nhân từ bên ngoài hay do áp đặt chủ quan.

-Đối với người học viên đang học tập tại trường TCKT Xe-Máy phải nhận thức sâu sắc quy luật này, kiên trì tích lũy về lượng, đó là tích lũy những kiến thức trong học tập (Kiến thức KHXH & NV; kiến thức cơ bản kỹ thuật cơ sở; kỹ năng, kỹ xảo chuyên ngành xe máy) và trong rèn luyện để đạt mục tiêu yêu cầu đào tạo TCKT ô tô. Sau khi ra trường trở thành nhân viên chuyên môn kỹ thuật có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ dược giao, góp phần xây dựng đơn vị, quân đội vững mạnh, đồng thời đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

 

KẾT LUẬN

Bài học gồm 3 nội dung, học viên cần nắm vững một số khái niệm chất và lượng, độ, bước nhảy, điểm nút; hiểu được mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng, đây là trọng tâm của bài học mà người học cần phải nắm chắc.

Vận dụng tốt quy luật vào học tập và rèn luyện tại trường đạt chất lượng hiệu quả cao.

Nghiên cứu trước nội dung: Quy luật phủ định của phủ định.

CÂU HỎI

1. Nêu khái niệm chất, lượng lấy ví dụ minh hoạ?

2. Nêu mối quan hệ biện chứng giữa lượng và chất rút ra ý nghĩa thực tiễn?
 

KẾ HOẠCH GIẢNG BÀI

 

   PHÊ DUYỆT

 Ngày 15 tháng 10  năm 2010

   HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

 

Đại tá, TS Nguyễn Văn Mỗi

 

Môn học: Giáo dục lý luận chính trị

Bài: Quy luật chuyển hoá từ những thay đổi dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại (quy luật lượng chất)

Đối tượng: Trung cấp kỹ thuật ô tô

 

Phần 1: Ý ĐỊNH BÀI GIẢNG

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Giúp cho người học hiểu được cách thức vận động phát triển của sự vật hiện tượng đi từ tích luỹ dần dần về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất và ngược lại.

2. Yêu cầu

- Nắm vững một số khái niệm chất, lượng, độ, bước nhẩy và điểm nút.

- Hiểu được nội dung của quy luật lượng-chất.

- Xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong học tập và rèn luyện; vận dụng tốt quy luật đã học vào hoạt động thực tiễn tại trường và sau khi ra trường.

II. NỘI DUNG

1. Nội dung quy luật.

2. Các hình thức của bước nhảy.

3. Ý nghĩa phương pháp luận.

III. THỜI GIAN

Tổng số: 45 phút

IV. ĐỊA ĐIỂM

Phòng học chuyên dùng, giảng đường lý thuyết.

V. TỔ CHỨC PHƯƠNG PHÁP

1. Tổ chức

Tổ chức giảng dạy theo lớp học.

2. Phương pháp

- Đối với giáo viên chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với đàm thoại và vấn đáp. có sử dụng máy tính, máy chiếu, ví dụ và sơ đồ để minh hoạ.

- Đối với học viên chú ý lắng nghe, quan sát và ghi chép những nội dung chính, tích cực phát biểu tham gia xây dựng bài.

VI. VẬT CHẤT BẢO ĐẢM

Máy tính, máy chiếu, phấn, bảng, bài giảng, kế hoạch giảng bài.

Phần 2: THỰC HÀNH GIẢNG BÀI

I. THỦ TỤC LÊN LỚP                                                                                  01 phút

Nhận báo cáo, kiểm tra quân số, viết tiêu đề bài giảng lên bảng.

II. TRÌNH TỰ GIẢNG BÀI                                                              40 phút

 

 

THỨ TỰ, NỘI DUNG

THỜI GIAN

(phút)

PHƯƠNG PHÁP

VẬT CHẤT

Giáo viên

Học viên

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Nêu mục đích, yêu cầu, nội dung của bài học

03

Thuyết trình, chiếu slide 3,4,5,6,7

Lắng nghe, quan sát, ghi chép

Máy tính, máy chiếu

II. NỘI DUNG

Nêu vị trí quy luật

 

02

 

Thuyết trình, chiếu slide 8

1. Nội dung quy luật

 

 

a. KN chất và lượng

13

Nói, viết bảng, chiếu slide 9

 

 

Khái niệm chất

 

 

 

08

 

Thuyết trình và giải thích, lấy ví dụ minh hoạ. Chiếu slide 10,11.

Hỏi: Đồng chí cho biết liên hệ là gì?

Hỏi: Đồng chí cho biết Đường ăn có thuộc tính là gì?

Lắng nghe, quan sát, ghi chép và trả lời câu hỏi

 

Khái niệm lượng

05

Thuyết trình, giải thích, VD minh hoạ. Chiếu slide 12,13,14,15,16,17

Hỏi: Đồng chí cho biết những lượng nào có thể đo đếm được chính xác?

Lắng nghe, quan sát, ghi chép, và trả lời câu hỏi

b. MQH biện chứng giữa lượng và chất

15

Viết bảng, thuyết trình, giải thích, VD minh hoạ. Chiếu slide 18,19,20,21,22,23,24,25,26

Quan sát,  ghi chép

Máy tính, máy chiếu

 

2. Các hình thức của bước nhảy

02

Nói, viết bảng, chiếu slide 27

3. Ý nghĩa phương pháp luận

05

Nói, viết bảng, chiếu slide 27

III. KẾT THÚC GIẢNG BÀI                                                                        04 phút

1. Tóm tắt nội dung chính

Bài học nghiên cứu 3 nội dung, nội dung 1 là trọng tâm của bài

2. Hướng dẫn ôn tập, kiểm tra

3. Giới thiệu tài liệu tham khảo

- Giáo trình Chính trị dùng trong các trường TCCN, hệ tuyển sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ giáo dục và Đào tạo xuất bản năm 2006.

- Giáo trình Triết học Mác-Lênin dùng trong các trường ĐH&CĐ, NXB CTQG năm 2006.

4. Câu hỏi ôn tập

    

Ngày 14 tháng 10 năm 2010

       NGƯỜI BIÊN SOẠN

 

          

 

 

      Thượng uý, CN Kiều Quang Dũng

 


Nguồn tin : Cao Đẳng Ô Tô     Ngày đăng tin : (15/05/2013)
Các bài viết liên quan khác
TRA CỨU ĐIỂM THI
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  Đang truy cập : 12
 Tổng lượt truy cập : 651173
HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ VÀ KỸ THUẬT ÔTÔ
 
Địa chỉ: Phường Xuân Khanh - Sơn Tây - Hà Nội
 
Điện thoại: (04) 63 258 761     -     Fax: (04) 63 258 761
 
Website: http://caodangoto.edu.vn